Làm Product Manager là làm gì? Product Manager thì khác gì Product Owner? Tại sao Product Manager không phải là mini-CEO? Product Manager khác gì với Business Owner v.v
PM thì có cần am hiểu ngành hay ko? Hay là có thể làm ở ngành nào cũng được?
Thời gian gần đây, bên mình đang tuyển PM. Thế nên mình viết bài sau chia sẻ về vị trí PM, đặc biệt cho các bạn chưa có kinh nghiệm.
Làm PM là làm gì?
PM nói chung là người “đảm bảo rằng đội ngũ sẽ mang tới sản phẩm tốt cho khách hàng”. Một sản phẩm tốt là một sản phẩm “giải quyết được nhu cầu của khách hàng”, làm cho khách hàng “hài lòng khi sử dụng”.
PM có thể cũng khá giống một CEO, vì thế có nơi ví PM là 1 mini CEO. Điểm giống nhau là PM cũng làm những việc rất “sang chảnh”, “to tát” ví dụ như là xác định tầm nhìn của sản phẩm (3-5 năm nữa sản phẩm sẽ thế nào, giải quyết bài toán gì), xây dựng chiến lược dài hạn ngắn hạn v.v
Tuy nhiên trong doanh nghiệp thì PM thường không có “quyền sinh, quyền sát” như là CEO. PM thực tế phải “giao tiếp, thuyết phục, đàm phán” rất nhiều với các bộ phận như đội ngũ lập trình, đội ngũ bán hàng, tài chính, nhân sự. PM giỏi không hẳn là người chịu trách nhiệm vẽ ra sản phẩm, quyết định xem nên có bao nhiêu màn hình, người dùng nên được dùng thử 14 ngày hay 28 ngày v.v (những việc đó có thể có người giỏi hơn trong đội ngũ phụ trách). Thực tế thì vai trò của PM như 1 người trung gian, 1 người dẫn dắt, thuyết phục các bên tin vào tầm nhìn và chiến lược của họ, phối hợp được tài năng của các thành viên khác nhau.
Thực tế, PM không phải là người làm ra sản phẩm, nhưng họ cần là người hiểu rõ nhất quy trình, phương pháp để làm ra sản phẩm. Họ phải nhìn vấn đề từ góc độ khách hàng, doanh nghiệp, thị trường, công nghệ, họ phải học hỏi và nghiên cứu không ngừng để giúp đội ngũ đi đúng hướng. Họ cần nói cho đội ngũ biết cần phải làm gì hiện tại và tiếp theo để có được một sản phẩm tốt.
Về lý thuyết, PM được kỳ vọng sẽ là người đại diện cho khách hàng, họ cần hiểu được các nhu cầu (thường là tiềm ẩn) của khách hàng, thỏa mãn những nhu cầu đó bằng những tính năng của sản phẩm. Thực tế thì không phải lúc nào khách hàng thỏa mãn cũng sẽ trả tiền, vì thế người PM cũng cần làm việc chặt chẽ với các bộ phận khác nhằm đảm bảo sản phẩm đem lại lợi ích kinh doanh cho doanh nghiệp nữa.
Công việc của một PM
Tùy vào thời điểm khác nhau mà một PM sẽ có những nhiệm vụ khác nhau. Bên cạnh đó, còn phụ thuộc vào cấu trúc của doanh nghiệp.
Trong một startup, đa phần CEO đóng vai trò PM. Ngược lại, ở các doanh nghiệp lớn, nhất là khi bộ phận sản phẩm to, đóng vai trò phát triển nhiều sản phẩm khác nhau của công ty thì vị trí PM thường tách biệt ra 1 vị trí khác, mình hay gọi là Business Owner.
Khi đó thì PM tập trung làm việc với đội công nghệ, nghiên cứu người dùng, phát triển sản phẩm. Còn BO thì tập trung nghiên cứu thị trường, vận hành, bán hàng, marketing, phát triển đối tác, mở rộng thị trường.
Quay trở lại, về tổng thể thì công việc của 1 PM có thể được chia theo giai đoạn của sản phẩm như sau
Giai đoạn hoạch nghiên cứu và hoạch định chiến lược
Ở thời kỳ này, công việc chính của PM bao gồm xác định tầm nhìn của sản phẩm, xác định mô hình kinh doanh tổng quan, các chiến lược mà sản phẩm sẽ theo đuổi. Để làm được việc này, cần thực hiện nghiên cứu thị trường, đánh giá đối thủ, xác định các nhu cầu, xu hướng, lựa chọn lợi thế cạnh tranh và định vị sản phẩm mà công ty muốn theo đuổi.
Sau khi có 1 cái nhìn tổng quan, PM cần trả lời câu hỏi: Tính năng nào cần được phát triển tiếp (và cả tính năng nào ko nên làm)?
Ý tưởng có thể đến từ nhiều nguồn: từ thị trường, từ đối thủ, từ lãnh đạo, từ nhân viên, từ đội bán hàng, từ khách hàng v.v
Người làm PM cần thực hiện các phân tích đa chiều để đưa ra được 1 lộ trình phát triển sản phẩm (product roadmap), theo đó xác định tính năng nào là ưu tiên, từ đó thuyết phục các bên theo đuổi lộ trình này. Ở một số công ty, roadmap phải được duyệt ở cấp CEO, ngược lại một số công ty trao quyền cho đội ngũ kỹ sư, PM cần thuyết phục đội kỹ sư đồng ý với việc phát triển tính năng này chứ ko phải CEO. Một điều thú vị là trong cả 2 trường hợp, hóa ra PM đều đóng vai trò của “người thuyết phục” nhiều hơn là “người ra quyết định”
Cuối cùng, PM phải là người cũng đội ngũ của mình đưa ra các chỉ số đo lường (OKR, KPI v.v) để xác định thành công, mục tiêu của sản phẩm.
Giai đoạn thiết kế sản phẩm
Tuy từng công ty, đội ngũ mà PM đóng vai trò khác nhau ở giai đoạn này. Ở giai đoạn này, có thể nhóm sẽ cần thực hiện các phỏng vấn sâu hơn, thử nghiệm nhanh, workshop với khách hàng trong quá trình thiết kế sản phẩm chứ ko phải là lao vào và vẽ sản phẩm ngay.
PM thường không đóng vai trò thiết kế chi tiết về giao diện, trải nghiệm (UI/UX) mà thường chỉ tập trung vào xác định đặc tính, yêu cầu của sản phẩm, đảm bảo tính năng phù hợp nhu cầu của các bên, không quá phức tạp gây tốn nguồn lực hoặc nguy cơ làm chậm deadline. (Gọi đơn giản là viết spec, anh em có thể Google để biết thêm).
Có những đội ngũ làm việc với nhau sát sao, PM thường sẽ chỉ gạch vài đầu dòng còn anh em triển khai là chính, ngược lại, trong những công ty cồng kềnh hơn, PM phải viết mô tả rất rõ ràng và đảm bảo là ko đổi đề bài giữa chừng.
Ở một số công ty, PM thường ko được can thiệp vào thiết kế của sản phẩm mấy (ví dụ Apple), trong trường hợp này PM đóng vai trò đảm bảo tiến độ nhiều hơn ở giai đoạn này. Nói chung ở các công ty khác nhau, đội lập trình viên, designer và PM sẽ có trọng lượng khác nhau khi ra quyết định, chứ ko phải cứ làm PM là làm sếp.
Giai đoạn triển khai phát triển
Ở giai đoạn này, có 2 việc chính cần làm là “push” đội phát triển và “test” sản phẩm. Nói chung là đời thì không như mơ, sản phẩm lúc ở trên giấy với lúc dev thường thì lúc nào cũng có vấn đề này vấn đề kia. Ví dụ như là chậm tiến độ (thì lúc ước lượng với lúc làm thực tế lúc nào cũng có sai số), anh em dev làm ko đúng ý, rồi thì quên cái này, sót cái kia, bug v.v Đội ngũ phát triển nhiều khi không phải chỉ làm 1 sản phẩm nên có lúc cần cân đối lại ưu tiên và nguồn lực, mà có những lúc còn có vấn đề đột xuất chen vào (ai đó đòi thêm tính năng, bug phát sinh, team building, nghỉ lễ, mất điện, phần mềm hết hạn, server trục trặc v.v).
Bên cạnh đó, PM thường xuyên phải rà soát lại sản phẩm, test, dùng thử. Tính năng nhiều khi sẽ ra kiểu gối đầu, tức là trong lúc đội dev làm sản phẩm này thì PM phải test thử tính năng của sản phẩm trước đó. Nhiều lúc dùng rồi mới phát hiện có vấn đề này kia thì lại phải lôi nhau ra sửa.
Giai đoạn ra mắt tính năng mới
Khi một tính năng mới ra mắt, có rất nhiều việc cần làm để tính năng mới chạy nuột nà. Liệu có điều gì thay đổi cần thông báo với người dùng, công việc của bán hàng và marketing có gì thay đổi không, làm sao để người dùng biết đến và sử dụng tính năng/sản phẩm mới v.v
Bên cạnh đó, sau khi sản phẩm ra mắt, PM cần tiếp tục theo dõi để kiểm chứng xem tính năng mới có hoạt động như kỳ vọng ko, các chỉ số có tăng đúng như dự đoán không, người dùng phản hồi ra sao?
Các công việc khác
Bên cạnh việc phân chia theo giai đoạn, PM còn có rất nhiều việc làm bên lề như tuyển dụng, đánh giá hiệu quả, kiểm soát ngân sách v.v
Các câu chuyện khác
Có rất nhiều vấn đề có thể thảo luận thêm, ví dụ như vai trò của Product Manager và Biz Owner sẽ được phân chia và cơ chế ra quyết định thế nào?
Trong các công ty khác nhau thì vai trò của Product Manager khác nhau thế nào: Công ty bán sản phẩm phần mềm đóng gố (kiểu BKAV), công ty bán phần mềm online (SaaS, công ty ứng dụng di động, công ty sản xuất hàng vật lý, công ty bán hàng cho doanh nghiệp (B2B) v.v
Bài viết có tham khảo chính từ kinh nghiệm bản thân và nội dung trong cuốn “Cracking the PM Interview” của 2 tác giả Jackie Bavaro và Gayle Laakmann McDowell
Đây là cuốn sách tổng quan về nghề PM, lấy ví dụ rõ ràng về sự khác nhau của PM tại nhiều công ty hàng đầu thế giới như Google, Microsoft, Facebook, Amazon hay các startup như Airbnb. Cuốn sách nói về kỳ vọng của doanh nghiệp đối với vị trí PM, các câu hỏi thường gặp khi phỏng vấn v.v
………………………………….
Trả lời